Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
259741

“Chắp cánh” cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp hiệu quả từ nguồn vồn tín dụng ưu đãi

Đăng lúc: 15:22:13 09/11/2022 (GMT+7)

Sau 6 năm thực hiện (2016 – 2022), với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định: Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hướng đi đúng, hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đoàn viên, thanh niên có vốn tự chủ trong phát triển kinh tế, tự khẳng định mình, tham gia khởi nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp; nhằm hỗ trợ về vốn cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát triển kinh tế, tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức đoàn tại các địa phương, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai rà soát nhu cầu vốn để hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp. Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vốn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng Đề án tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3815/QĐ-UBND, ngày 4-10-2016; Quyết định số 741/QĐ-UBND, ngày 28–2-2020 về việc sửa đổi một số nội dung của Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (sau đây gọi chung là Đề án).
Đến nay, Đề án đã có 26/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện với tổng nguồn vốn đã giải ngân là 41.185 triệu đồng, hỗ trợ cho hàng trăm dự án, mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên được vay vốn. Căn cứ vào Đề án, Tỉnh đoàn đã phối hợp với NHCSXH – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa phân bổ chỉ tiêu cho các tổ chức đoàn cơ sở, đồng thời chỉ đạo đoàn cơ sở khẩn trương phối hợp với các NHCSXH cấp huyện tổ chức thẩm định để thực hiện cho vay vốn. Nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp đã được thực hiện cho vay theo hai phương thức. Hình thức thứ nhất là cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Hình thức thứ hai là cho vay trực tiếp. “Nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Thông qua nguồn vốn này nhiều đoàn viên, thanh niên đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút thêm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhiều mô hình đã được triển khai thực hiện, có hiệu quả bước đầu” – anh Nguyễn Đình Nhất – Trưởng Ban Phong trào, Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết. Theo anh Nhất, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp.
Các dự án, mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên tham gia vay vốn từ Đề án đa dạng về loại hình, lĩnh vực, hình thức triển khai, hoạt động.
Về mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt có: dự án làm nhà màng lưới, trồng rau an toàn tại Nga Sơn, Lang Chánh; dự án trồng cây ăn quả tại Yên Định, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; dự án ươm, trồng cây tại Quảng Xương; dự án trồng cây cảnh đào, quất tại Như Thanh; dự án chăn nuôi cá tại Hậu Lộc, Thiệu Hóa; dự án chăn nuôi gia cầm tại Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh; dự án chăn nuôi gia súc tại Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thiệu Hóa, TP Sầm Sơn, Mường Lát...
Mô hình đầu tư sản xuất như: sản xuất nhựa lõi thép tại Hậu Lộc; sản xuất cửa nhôm lõi sắt tại Triệu Sơn; gạch không nung tại Quảng Xương, Thạch Thành, Bá Thước; sản xuất bê tông, các sản phẩm xây dựng từ bê tông tại Hà Trung; sản xuất ép củi chấu tại Nga Sơn; sản xuất máy làm nấm tại Đông Sơn; gia công cơ khí tại Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, Triệu Sơn, Thạch Thành...
Mô hình đầu tư phát triển làng nghề như: phát triển nghề mộc dân dụng tại Hoằng Hóa, Thọ Xuân; chế biến nước mắm tại thị xã Nghi Sơn; chế biến nông sản tại Nông Cống...
Một số hình ảnh các mô hình tiêu biểu:

1.jpg
(Đ/c Lê Văn Châu cùng với các đ/c NHCS XH tỉnh thăm quan mô hình vay vốn khởi nghiệp của đồng chí Lê Trường Tùng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống)

z3875120806817_941e972176a27f3decc3d8d18053a218.jpg
Anh Lê Trường Tùng, xã Trung Thành, huyện Nông Cống (ngoài cùng bên trái) đã xây dựng thành công mô hình áp dụng công nghệ cao và sản xuất dứa, ngô, cà chua đóng hộp xuất khẩu cho thu nhập 4 tỷ/năm.

12.jpg
(Mô hình sản xuất tinh dầu của đồng chí Dương Ngọc Trường, huyện Thạch Thành vay vốn
Đề án tín dụng khởi nghiệp năm 2022)

3.jpg
(Mô hình Vườn rừng bản Thổ của đồng chí Nguyễn Lê Ngọc Linh, huyện Như Xuân vay vốn
Đề án tín dụng khởi nghiệp)

Có thể khẳng định Đề án chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là hướng đi đúng và có hiệu quả, là giải pháp quan trọng trong việc thu hút đoàn viên, thanh niên ở lại quê hương để lập nghiệp, giúp đoàn viên, thanh niên có vốn tự chủ trong phát triển kinh tế, tự khẳng định mình, tham gia khởi nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh làm giàu trên chính quê hương.
Nguyễn Sơn – Ban PT Tỉnh đoàn
Từ khóa bài viết: